Trả lời công văn số 12/2019/CV ghi ngày 23/05/2019 của Công ty TNHH Điện Ảnh và Dịch vụ Văn Hóa Sao Việt (Công ty) hỏi về việc lập bảng kê chi tiết hàng hóa, dịch vụ cung cấp kèm theo hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa (Cục Thuế) có ý kiến như sau:
Tại Khoản 2, Điều 3 Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ quy định:
“ Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
2. Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định tại Nghị định này bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.”
Tại Điều 4, Điều 6, Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Thông tư 32) hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không có quy định được lập bảng kê kèm theo hóa đơn điện tử.
Tại Điều 9, Thông tư 32 nêu trên dẫn xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập:
“Điều 9. Xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập
1. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế, nếu phát hiện sai thì chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của người bán và người mua. Việc huỷ hóa đơn điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thoả thuận. Hóa đơn điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử mới theo quy định tại Thông tư này để gửi cho người mua, trên hóa đơn điên tử mới phải có dòng chữ “hóa đơn này thay thế hóa đơn số…, ký hiệu, gửi ngày tháng năm.
2. Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót. Hoá đơn điện tử lập sau ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn điện tử số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điện tử điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn hiện hành. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”
Tại công văn số 68/TCT-CS ngày 05/01/2019 của Tổng cục Thuế về việc áp dụng hóa đơn điện tử hướng dẫn như sau:
“…Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không bị giới hạn về số dòng trên một tờ hóa đơn nên hóa đơn điện tử không lập kèm bảng kê”.
Căn cứ quy định trên và tham chiếu nội dung các công văn số 68/TCT-CS nêu trên, Cục Thuế có ý kiến như sau:
– Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không bị giới hạn về số dòng trên một tờ hóa đơn nên hóa đơn điện tử không lập kèm bảng kê. Vì vậy, trường hợp Công ty khi lập hóa đơn điện tử thì nội dung của các hàng hóa, dịch vụ phải được thể hiện đầy đủ trên hóa đơn điện tử mà không kèm bảng kê.
– Đối với những hóa đơn đã lập, đã phát hành có đính kèm bảng kê từ tháng 02/2018 đến nay đề nghị Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 9, Thông tư 32 đã trích dẫn trên đây.
Vậy Cục Thuế trả lời Công ty được biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được trích dẫn và nội dung hướng dẫn tại công văn này./.