Thuế giá trị gia tăng (GTGT) tác động đến hầu hết các đối tượng trong xã hội. Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, được sửa đổi, bổ sung 2016 điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực này. Bài viết dưới đây tổng hợp các vấn đề pháp lý cơ bản, liên quan mật thiết đến đời sống người dân của pháp luật thuế GTGT.
1. Thuế GTGT là gì?
Thuế GTGT trong Tiếng Anh là Value Added Tax (VAT) hay còn được biết đến là Goods and Services Tax. Thuế GTGT có nguồn gốc từ nước Pháp, đến nay đã được áp dụng rộng rãi tại khoảng 130 quốc gia trên thế giới.
Thuế giá trị gia tăng được quy định tại hơn 130 quốc gia (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế GTGT chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.
Một điểm đặc trưng khác, thuế GTGT là một loại thuế gián thu, được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng trả khi sử dụng sản phẩm đó. Mặc dù người tiêu dùng mới chính là người chi trả thuế GTGT, nhưng người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước lại là đơn vị sản xuất, kinh doanh.
2. Đối tượng nào không phải nộp thuế GTGT?
Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định về đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế trực tiếp với cơ quan Nhà nước. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế chính là người có nghĩa vụ đóng thuế.
Theo quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế 2016, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng, sản xuất hiện nay đều là đối tượng chịu thuế GTGT.
Một số đối tượng không chịu thuế quy định cụ thể tại Thông tư 219/2013/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 26/2015/TT-BTC, gồm: Nông, thủy sản chưa chế biến; vật nuôi, giống cây trồng; muối; dịch vụ tín dụng; dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng;…
Nông sản chưa chế biến không chịu thuế theo Luật Thuế giá trị gia tăng (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng quy định một số trường hợp cụ thể mà tổ chức, cá nhân không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, gồm:
– Nhận các khoản thu bồi thường bằng tiền;
– Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản;
– Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT cho doanh nghiệp, hợp tác xã;
Thông tư 193/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng liệt kê một số trường hợp cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định:
– Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp;
– Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp;
– Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm;
– Nhận các khoản thù lao từ cơ quan Nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan Nhà nước …
3. Căn cứ tính thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ
Thuế GTGT được tính dựa trên giá tính thuế và thuế suất.
Giá tính thuế
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng 2013 quy định giá tính thuế bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh, sản xuất được hưởng. Đơn vị tính thuế GTGT là đồng Việt Nam.
Chi tiết giá hàng hóa, dịch vụ được sử dụng làm căn cứ tính thuế GTGT quy định trong một số trường hợp cụ thể như sau:
– Sản phẩm do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra, giá tính thuế là giá bán chưa có thuế GTGT; Sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc/và thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc/và thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế GTGT;
– Hàng hóa nhập khẩu: Giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu hoặc/và thuế bảo vệ môi trường hoặc/và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có);
– Hoạt động cho thuê tài sản: Số tiền cho thuê chưa có thuế GTGT;
– Hàng hóa bán trả góp, trả chậm: Giá bán theo phương thức trả một lần chưa có thuế GTGT, không gồm lãi trả góp, trả chậm;
– Gia công hàng hóa: Giá gia công chưa có thuế GTGT;
– Hàng hoá, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì tính theo công thức:
Giá chưa có thuế GTGT = | Giá thanh toán |
1 + Thuế suất của hàng hoá, dịch vụ (%) |
3 mức thuế suất 0%, 5% và 10% áp dụng ra sao?
Thuế suất được hiểu là mức thuế phải nộp trên một đơn vị khối lượng chịu thuế. Định mức thu thuế tính trên khối lượng thu nhập hoặc giá trị tài sản chịu thuế.
Luật Thuế giá trị gia tăng quy định 03 mức thuế suất (Ảnh minh họa)
Luật Thuế GTGT hiện hành quy định áp dụng 03 mức thuế suất: 0%, 5% và 10% với những quy định cụ thể như sau:
– Thuế suất 0% được áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa không chịu thuế GTGT. Thông tư 130/216/TT-BTC hướng dẫn cụ thể các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0%: Tái bảo hiểm; chuyển giao công nghệ ra nước ngoài; thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu; …
– Thuế suất 5%: Áp dụng với các sản phẩm quy định tại Điều 10, Thông tư 219/2013/TT-BTC và được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 26/2015/TT-BTC như sau: Nước sạch sinh hoạt, phân bón, nông sản, thủy sản, quặng, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, …
– Thuế suất 10%: Được áp dụng đối với các sản phẩm, dịch vụ không áp dụng 2 mức thuế suất 0% và 5%.
4. Cách tính thuế GTGT phải nộp của doanh nghiệp
Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định 02 phương pháp tính thuế GTGT bao gồm: Phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng 2013 quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 1 về đối tượng áp dụng, cách tính đối với mỗi phương pháp:
Phương pháp khấu trừ thuế
– Đối tượng áp dụng là các cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định pháp luật: Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ từ 01 tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh; Cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng tự nguyện.
– Cách tính:
Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT
– Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới 01 tỷ đồng; hộ, cá nhân kinh doanh; người nước ngoài kinh doanh, không thường trú nhưng có doanh thu tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ…
– Cách tính:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ %
Trong đó, tỷ lệ % được quy định như sau:
– Phân phối và cung cấp hàng hóa: 1%;
– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
– Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 119/2014/TT-BTCcũng quy định cách tính đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý, như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = (Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra – Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào) x Thuế suất thuế GTGT
Như vậy, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ có thể thực hiện phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT. Doanh nghiệp có doanh thu dưới 01 tỷ đồng có thể lựa chọn 1 trong 2 phương pháp trên, trường hợp chọn phương pháp khấu trừ thuế thì phải đăng ký trước.
5. 3 trường hợp hoàn thuế GTGT phổ biến nhất
Các trường hợp được hoàn thuế GTGT quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế 2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng 2013 và một số văn bản hướng dẫn liên quan.
Trường hợp 1: Cơ sở kinh doanh chưa được khấu trừ hết thuế
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế 2016 thì cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp:
– Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;
– Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/07/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.
Trường hợp này được hướng dẫn cụ thể tại Mục II Chương III Thông tư 219/2013/TT-BTC(đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC).
Trường hợp 2: Đơn vị xuất khẩu chưa được khấu trừ thuế từ 300 triệu đồng
Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan.
Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Có 03 trường hợp hoàn thuế GTGT phổ biến nhất (Ảnh minh họa)
Trường hợp 3: Đơn vị kinh doanh thực hiện dự án đầu tư
Về việc hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư, khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTCquy định:
Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư cùng tỉnh, thành phố, đang trong giai đoạn đầu tư thì thực hiện kê khai riêng và phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động kinh doanh đang thực hiện, trừ trường hợp:
– Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với 04 trường hợp quy định cụ thể tại Thông tư;
– Dự án đầu tư xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê mà không hình thành tài sản cố định.
Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư, nếu nhỏ hơn 300 triệu đồng thì kết chuyển vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai tiếp theo…
Bên cạnh 03 trường hợp phổ biến trên, khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng 2013 còn quy định 04 trường hợp khác được hoàn thuế GTGT.
6. Chậm nộp hồ sơ khai thuế, phạt đến 5 triệu đồng
Mức xử phạt hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế được Bộ Tài chính quy định tại Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC, cụ thể:
– Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 01-05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ…;
– Phạt tiền 3,5 triệu đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 2 triệu đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40-90 ngày;
+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 13 Thông tư;
+ Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp (trừ trường hợp pháp luật có quy định không phải nộp hồ sơ khai thuế);
+ Nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá thời hạn quy định trên 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp Hồ sơ khai thuế nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm.
Chậm nộp hồ sơ khai thuế, phạt đến 5 triệu đồng (Ảnh minh họa)
Thời hạn nộp hồ sơ quy định tại Điều này bao gồm cả thời gian được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Không áp dụng các mức xử phạt quy định Điều này đối với trường hợp người nộp thuế trong thời gian được gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế.