Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi nhu cầu sử dụng, chất lượng lao động cung ứng trong các ngành nghề, đặc biệt ngành Kế toán – Kiểm toán. Thông qua việc khái quát thực trạng dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán – kiểm toán, những cơ hội và thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán – kiểm toán tại Việt Nam trước những biến động mới.
Thực trạng dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán – kiểm toán ở Việt Nam
Tại Việt Nam, những năm gần đây, số lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, chỉ một số công ty có khả năng tương đối về quy mô, phạm vi và chất lượng mới đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên. Còn những công ty nhỏ hơn loại hình dịch vụ cung cấp không nhiều, chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa được kiểm soát và chưa thực sự đồng đều do phải chạy đua cạnh tranh về giá dịch vụ; Việc đào tạo cán bộ hầu như chỉ được quan tâm do hạn chế về kinh phí, thời gian và thiếu chuyên gia giỏi.
Hiện nay, sức cạnh tranh của đa số các công ty kiểm toán còn yếu. Ngoài một số ít công ty kiểm toán tư vấn tài chính là thành viên hãng quốc tế với 100% vốn nước ngoài, đa số các công ty còn lại chưa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng. Ngay cả các công ty kiểm toán, tư vấn lớn ở nước ta, trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ cũng chưa theo kịp với các nước phát triển. Vì vậy, các công ty của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về kế toán, kiểm toán được thực hiện.
So với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội, quy mô thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán – kiểm toán của nước ta hiện nay còn hạn chế, khách hàng chủ yếu vẫn kiểm toán theo quy định, số tự nguyện không nhiều. Đây cũng là loại hình dịch vụ chưa được phổ biến rộng rãi. Trong các loại hình dịch vụ do các công ty kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán công bố, dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán – kiểm toán chỉ chiếm khoảng 5 – 10%.
Trong các loại hình dịch vụ được các công ty cung cấp, tỷ trọng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính vẫn chiếm số lượng chủ yếu. Các loại hình dịch vụ khác như: Dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thuế còn thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Hầu hết công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đang hoạt động tại một số thị trường lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác tuy có chi nhánh nhưng phân bổ không đều, hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng này dẫn đến việc khai thác không triệt để nhu cầu thị trường; đồng thời khiến cho nhiều đơn vị, tổ chức không có điều kiện hiểu biết về tầm quan trọng của các loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Bên cạnh đó, số lượng kế toán viên, kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 2% tổng số kế toán viên, kiểm toán viên của các nước ASEAN (4.000/196.000).
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến dịch vụ tư vấn hành nghề kế toán, kiểm toán
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang đến sự thay đổi cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành Kế toán – Kiểm toán. CMCN 4.0 mang đến cho lĩnh vực kế toán – kiểm toán nói chung và thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán – kiểm toán nói riêng nhiều cơ hội phát triển, song cũng có không ít thách thức đặt ra. Cụ thể:
Về cơ hội
Thứ nhất, CMCN 4.0 mang lại cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với công nghệ kế toán, kiểm toán quốc tế. Ảnh hưởng của CMCN 4.0 mà cụ thể là Internet vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích, chi phí phù hợp. Từ đó, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế.
Thứ hai, CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu cho các tổ chức, doanh nghiệp phải thích ứng với khoa học – kỹ thuật hiện đại, từ đó thúc đẩy cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán phải đầu tư và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ.
Thứ ba, những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 là động lực giúp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong nước phát triển nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới. Cuộc CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.
Thứ tư, nhờ việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn (Big data) giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi. Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả, từ đó góp phần giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là công tác kế toán, kiểm toán sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Thứ năm, CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Thành tựu của cuộc CMCN 4.0 với hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa sẽ giúp công việc kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Theo đó, kế toán viên, kiểm toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện các phần hành công việc kế toán, kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới. Như vậy, nhờ có CMCN 4.0 mà phạm vi công việc của các kế toán, kiểm toán viên Việt Nam được mở rộng.
Về thách thức
CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán – kiểm toán. Một số thách thức cơ bản như sau:
– Các công nghệ số sẽ ngày càng phổ biến và tác động lên doanh nghiệp làm thay đổi cách thức thực hành nghiệp vụ tài chính, kế toán cũng như đặt ra những đòi hỏi nhất định về năng lực đối với đội ngũ các chuyên gia tài chính.
– Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thách thức lớn nhất đối với kế toán, kiểm toán Việt Nam là vấn đề đào tạo, cập nhật các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực cán bộ, kế toán viên và kiểm toán viên. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, môi trường pháp lý yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi phải gia tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ kiểm toán, các doanh nghiệp kiểm toán sẽ gặp khó khăn khi giữ chân nhân viên chủ chốt, nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là những người có chứng chỉ quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu các tổ chức và tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
– Mặc dù, số lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán tăng nhanh, song chỉ một số công ty có khả năng về quy mô, phạm vi và chất lượng hoạt động. Các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đang tập trung hoạt động ở một số thị trường lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, còn tại các địa phương khác tuy có chi nhánh nhưng phân bổ không đều. Các doanh nghiệp kiểm toán sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc tăng cường niềm tin của công chúng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng như việc duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng với yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế…
– Sự cạnh tranh không chỉ giữa các công ty đang cung cấp dịch vụ kế toán – kiểm toán truyền thống, mà còn với cả các doanh nghiệp phi truyền thống và các doanh nghiệp công nghệ. Đã có cảnh bảo về nguy cơ thu hẹp dịch vụ kiểm toán truyền thống, đặc biệt khi công nghệ Blockchain được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính.
Phát triển thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán – kiểm toán
Để phát triển thị trường dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán – kiểm toán một cách hiệu quả cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các cơ quan nhà nước cần tạo dựng, hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý, bảo đảm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nói chung và công ty cung cấp dịch vụ kế toán nói riêng, tạo ra môi trường pháp luật tốt cho hoạt động của các công ty kế toán và tư vấn tài chính kế toán, kiểm toán.
Thứ hai, phía tổ chức hội nghề nghiệp, các hiệp hội như VAA (Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam); VACPA (Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam) cần nâng cao năng lực hoạt động và trách nhiệm xã hội của mình, chủ động hơn về tổ chức và hoạt động để thực sự là một tổ chức độc lập, mang tính nghề nghiệp cao; tăng cường kiểm soát của các cơ quan quản lý hành nghề đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán.
Thứ ba, đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán, cần tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ như: Khuyến khích các công ty mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nâng cao khả năng, trình độ của nhân viên chuyên nghiệp, mở rộng diện được hành nghề cho cả cá nhân…
Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam cần thực hiện đầy đủ các cam kết về cung cấp dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán và kiểm toán theo thông lệ chung của thế giới, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nhân lực trên cơ sở thay đổi nhận thức của các đối tượng sử dụng dịch vụ này trên thị trường. Có như vậy, người lao động và các doanh nghiệp ngành Kế toán, kiểm toán mới nắm bắt được thời cơ và vượt qua các thách thức, do hội nhập mang lại, phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế.
Thứ năm, cần có cơ chế chính sách để kế toán, kiểm toán Việt Nam đẩy nhanh quá trình hòa hợp, hội tụ với kế toán quốc tế, trên cơ sở đó các cơ sở đào tạo tiến hành giảng dạy theo nội dung mới đáp ứng đòi hỏi của quá trình hội nhập. Như vậy, nội dung kế toán trong nước, khu vực và quốc tế sẽ giảm dần sự khác biệt, tạo thuận lợi cho chính doanh nghiệp và các thành viên tham gia trong lĩnh vực kế toán kiểm toán trong và ngoài nước.
Thứ sáu, Nhà nước nên quy hoạch lại đào tạo nhân lực ngành Kế toán, Kiểm toán một cách hợp lý, trường nào trên cơ sở thế mạnh từng trường và cân đối vĩ mô cung cầu lao động từng ngành nghề của từng thời kỳ. Như vậy, sẽ giảm tải nguồn cung lao động chất lượng không đảm bảo, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước. Bên cạnh đó, cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà giáo dục, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh các ngành nghề nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng có điều kiện phát triển nghề nghiệp.
Thứ bảy, các cơ sở đào tạo cần tăng cường thời gian đào tạo thực hành kế toán – kiểm toán trên lớp, tăng cường đào tạo gắn thực tiễn, để nguồn nhân lực khi ra trường làm việc được ngay tránh để doanh nghiệp phải đào tạo lại. Đồng thời, tăng cường đào tạo khả năng thực hành ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Các cơ sở đào tạo nên dành thời lượng đủ lớn để trang bị cho học viên nâng cao kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh, để sau khi ra trường, đội ngũ này có thể sử dụng các kỹ năng này vào công việc một cách hiệu quả.
http://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/phat-trien-dich-vu-tu-van-hanh-nghe-ke-toan-kiem-toan-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-307686.html