Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được Bộ này gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định, chuẩn bị các thủ tục để trình Chính phủ. Đáng lưu ý, ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.
Điểm khác biệt so với những lần sửa trước là dự thảo lần này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh: doanh nghiệp, người kinh doanh được làm những gì pháp luật không cấm.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật tập trung mạnh vào việc rà soát, đơn giản hóa ở khâu gia nhập thị trường, nghĩa là đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ, rút ngắn thời gian, chi phí trong việc gia nhập thị trường, làm cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn.
Một điểm đáng chú ý nữa, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – đơn vị được Bộ KH-ĐT giao chắp bút dự thảo – Luật đặt mục tiêu nuôi lớn doanh nghiệp, nghĩa là giúp doanh nghiệp không chỉ gia nhập thị trường mà còn hoạt động ổn định, dài hạn thông qua việc thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt, bảo vệ cho nhà đầu tư (đặc biệt là cổ đông nhỏ) khi họ rót tiền vào doanh nghiệp…
Chẳng hạn, dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm “vốn đầu tư” để thể hiện đầy đủ các hình thái tài sản được hình thành từ vốn đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự và Điều ước quốc tế (bao gồm cả quyền tài sản và các tài sản hình thành trong tương lai, quyền sở hữu trí tuệ, quyền kinh doanh, thương hiệu, bằng sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học…), từ đó bảo đảm tốt hơn quyền tài sản của nhà đầu tư.
Ở chiều ngược lại, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, dự thảo bổ sung quy định tại Điều 5 nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý áp dụng các biện pháp cần thiết (như từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đình chỉ hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư…) trong trường hợp các hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường.
Đối với các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngoài việc làm rõ mục đích, nội hàm của một số khái niệm liên quan, các quy định về vấn đề này được sửa đổi, bổ sung theo hướng bãi bỏ 14 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 8 ngành, nghề và bổ sung 4 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Riêng ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.
Về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư, đặt mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, ngoài 4 ngành ưu đãi đầu tư đã được bổ sung vào Luật Đầu tư theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này bổ sung một số ngành, nghề và hoạt động đầu tư khác, gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Các nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đã được làm rõ; trong đó bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế – xã hội.
Cụ thể là dự án trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo có quy mô vốn đầu tư từ 60.000 tỷ đồng trở lên; dự án của công ty đa quốc gia thành lập các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ và dự án đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên. Đối với các loại dự án này, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung mức ưu đãi và thời hạn ưu đãi đầu tư nhưng mức ưu đãi bổ sung không quá 50% mức ưu đãi cao nhất và thời hạn ưu đãi bổ sung không quá thời hạn ưu đãi dài nhất.
Đồng thời, căn cứ mục tiêu, yêu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ và thông lệ quốc tế, Chính phủ quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này.
Ngoài ra, dự thảo Luật này tiếp tục quy định Danh mục ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư thống nhất theo quy định của Luật Đầu tư (giao Chính phủ quy định chi tiết), áp dụng ưu đãi đầu tư theo dự án và không phân biệt ưu đãi đầu tư giữa dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.
Nhiều quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cũng đã được sửa đổi, bổ sung.