Thời gian làm việc: 08h00 - 17h30

Tin tức

Số: 2051/CT-TTHT – V/v chính sách thuế đối với hoạt động góp vốn bằng tài sản

18.07.2019 Quản trị viên

Trả lời công văn số 01/CVDA-2015 ghi ngày 03/04/2015 của Công ty TNHH Ana Marina Nha Trang (Công ty) hỏi về chính sách thuế đối với hoạt động góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa có ý kiến như sau:

 Tại Khoản 7(a) Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sau đây gọi tắt là Thông tư 219) quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:

  1. a) Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.”

Tại Khoản 14, Điều 7,  Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sau đây gọi tắt là Thông tư 78 – đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) quy định về khoản thu nhập khác từ chênh lệch do đánh giá lại tài sản để góp vốn như sau:

“14. Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập,chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (trừ trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), được xác định cụ thể như sau:

  1. a) Chênh lệch tăng hoặc giảm do đánh giá lại tài sản là phần chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại với giá trị còn lại của tài sản ghi trên sổ sách kế toán và tính một lần vào thu nhập khác (đối với chênh lệch tăng) hoặc giảm trừ thu nhập khác (đối với chênh lệch giảm) trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại doanh nghiệp có tài sản đánh giá lại.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Trọng Điểm (Bên góp vốn) thực hiện góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp thì thuế GTGT và thuế TNDN đối với Bên góp vốn thực hiện như sau:

(i) Về thuế GTGT: Trong trường hợp góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp thì Bên góp vốn không phải xuất hóa đơn và không phải kê khai, nộp thuế GTGT với điều kiện Bên góp vốn phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định tại Khoản 7(a) Điều 5 Thông tư 219 nêu trên.

(ii) Về thuế TNDN: Trường hợp Bên góp vốn khi đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn có phát sinh khoản chênh lệch tăng hoặc giảm giữa giá trị đánh giá lại với giá trị còn lại của tài sản ghi trên sổ sách kế toán thì khoản thu nhập này được tính một lần vào thu nhập khác (đối với chênh lệch tăng) hoặc giảm trừ thu nhập khác (đối với chênh lệch giảm) trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của Bên góp vốn theo quy định tại Khoản 14(a) Điều 7, Thông tư 78 nêu trên.

Hoạt động góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp không làm phát sinh nghĩa vụ thuế đối với Bên nhận góp vốn. Vì vậy, Công ty có trách nhiệm ghi nhận, theo dõi và thực hiện các nghiệp vụ hạch toán kế toán đối với tài sản nhận góp vốn theo quy định.

  Vậy Cục Thuế trả lời Công ty được biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được trích dẫn và nội dung hướng dẫn tại công văn này./.

Tin tức liên quan