banner

Tin tức bất động sản

Ba đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam sẽ tỏa sức hấp dẫn

Ba đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tỏa sức hấp dẫn các nhà đầu tư với các xu hướng môi trường kinh doanh tiên tiến nhất.

Những tiềm năng, lợi thế của ba đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tỏa sức hấp dẫn, tiếp cận các xu hướng môi trường kinh doanh và quản lý tiên tiến nhất của khu vực và quốc tế, thu hút các nguồn vốn, công nghệ hiện đại, nhân tài, ý tưởng phát triển và mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu kinh tế, cải thiện nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

Hấp dẫn và lan tỏa

Là một trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260km), hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam đang có 16 khu kinh tế (KKT) ven biển, với 815.000ha tổng diện tích mặt đất và mặt nước, mỗi năm đạt tổng doanh thu khoảng 6 – 8 tỷ USD, đóng góp cho NSNN khoảng 500 – 600 triệu USD và hướng tới mục tiêu đến năm 2020, các KKT ven biển đóng góp từ 53 – 55% GDP quốc gia và 55 – 60% tổng kim ngạch xuất khẩu… Dù đã và đang áp dụng các chính sách ưu đãi, nhưng các KKT này vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, tăng tốc chuyển đổi mô hình và quản lý phát triển vĩ mô, nhất là kinh tế biển.

ba dac khu kinh te dau tien cua viet nam se toa suc hap dan hinh 1
Sơ đồ kiến trúc khu giải trí Vân Đồn.

Đặc khu kinh tế (ĐKKT) là sản phẩm và cơ chế thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với tiền thân là các mô hình cảng tự do, khu thương mại tự do, khu công nghiệp và chế xuất, khu kinh tế tự do… Chúng xuất hiện đầu tiên ở Italy năm 1547 và ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ 18, tiêu biểu là khu mậu dịch tự do Singapore (1819) và khu mậu dịch tự do Hồng Kông (1842). Đến nay trên thế giới đã có hơn 3.500 đặc khu và khu kinh tế tự do tại 135 quốc gia. Trung Quốc được coi là nước có nhiều thành công trong xây dựng ĐKKT. Trên thực tế, các đặc khu đang đóng góp khoảng 22% GDP, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 60% kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Trung Quốc…

Xây dựng ĐKKT được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hơn 20 năm trước, trải qua nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, hiện chủ trương này đang đi vào giai đoạn hiện thực hóa theo Kết luận số 74-KL/TW, ngày 17/10/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khoá XI) về thí điểm thành lập các khu hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Cả 3 đặc khu này đều có thế mạnh và sức hấp dẫn riêng.

Vân Đồn với cửa khẩu Móng Cái, tạo thêm kênh mới trực tiếp giao thương với Trung Quốc cả về thương mại và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; Bắc Vân Phong có thế mạnh là cảng biển và cung cấp các dịch vụ hậu cần biển, du lịch quốc tế cao cấp phục vụ cả đối tượng dân sự và quân sự; Phú Quốc nằm gần Singapore, Malaysia và ở trung tâm của khu vực địa lý ASEAN, nên có nhiều triển vọng nhất trong định hướng trở thành một “mô hình Singapore mới” ở Việt Nam. Đồng thời, cả 3 đặc khu này sẽ tạo kết nối tổng thể không gian kinh tế mới trên biển Việt Nam và khu vực, với những điểm nhấn về tạo chuỗi cung ứng công nghiệp – dịch vụ kinh tế biển hiện đại đầy triển vọng trong tương lai.

Ba đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam tỏa sức hấp dẫn còn bởi những kỳ vọng lớn lao, tạo nơi thí điểm để mở rộng các thể chế mang tính đột phá so với mức độ hiện hành trong nước, tiếp cận các xu hướng môi trường kinh doanh và quản lý tiên tiến nhất của khu vực và quốc tế, tạo hấp lực thu hút các nguồn vốn, công nghệ hiện đại, nhân tài, ý tưởng phát triển và mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu kinh tế, cải thiện nguồn thu NSNN, tạo việc làm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; bảo vệ môi trường và góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.

Chuẩn bị kỹ lưỡng với sự cẩn trọng cao

Thực tiễn thế giới đã và đang cho thấy, mức độ thành công của một ĐKKT tùy thuộc vào địa điểm được lựa chọn xây dựng, ngoài yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng, cần bảo đảm phát huy lợi thế riêng, thuận lợi cho quá trình giao thương, hợp tác kinh tế, du lịch và dịch vụ quốc tế, nằm gần những đô thị chính, các trung tâm kinh tế, dịch vụ và văn hoá, có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có hệ thống giao thông phát triển và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như điện, nước sạch, thoát nước, thông tin liên lạc,… tạo lợi thế địa kinh tế cho sự hội tụ, liên kết và lan toả cao nhất hiệu ứng tích cực cho khu vực và toàn quốc.

ba dac khu kinh te dau tien cua viet nam se toa suc hap dan hinh 2
Sân bay Vân Đồn đang được gấp rút thi công. (Ảnh Zing)

Đồng thời, đặc khu cần có những thể chế kinh tế và hành chính hiện đại, mang tính mở, tự do, minh bạch, linh hoạt và tự chủ cao, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ bên ngoài; phát triển cơ cấu ngành nghề đa dạng, cả về chế tạo và dịch vụ, trong đó ưu tiên các ngành dịch vụ trung gian và dịch vụ hậu cần hỗ trợ kinh doanh; tiếp cận thị trường đa dạng, cả bên trong lẫn bên ngoài đặc khu, ưu tiên hướng về xuất khẩu.

Các đặc khu hiện đại thường mang dáng dấp của một thành phố tự do và có tính quốc tế hóa rất cao cả về kinh doanh và quản lý nhà nước, đáp ứng hầu hết các yêu cầu triển khai các hoạt động toàn cầu của những công ty xuyên quốc gia. Tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu thường phải ít cấp trung gian hơn, trực tuyến hơn và được phân quyền mạnh hơn và quản lý ưu đãi thông thoáng hơn về thuế và hoạt động tài chính, tiền tệ, ngân hàng, đất đai, giao thông và các điều kiện hỗ trợ kinh doanh và giao dịch quốc tế liên quan…

Thực tế cũng cho thấy, thành công và những kỳ vọng với đặc khu không tự đến dễ dàng. Theo Ngân hàng Thế giới, 50% trong số các đặc khu và khu kinh tế tự do trên toàn cầu đã thất bại, với không ít vấn đề đã và đang đặt ra cho việc cụ thể hóa các hình hài của từng đặc khu, đặc biệt là về cơ sở pháp lý cho mô hình tổ chức, quản lý sự phân cấp và thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu; cơ chế giám sát quyền lực và phòng ngừa nạn tham nhũng và lộng quyền, trục lợi chính sách; định hướng phát triển ngành nghề phù hợp và cơ chế chính sách vượt trội cần thiết mang tính cạnh tranh cao.

Hơn nữa, bên cạnh những khoản chi phí lớn và áp lực tăng nợ hoặc vỡ nợ bởi đầu tư hạ tầng, bùng nổ thái quá và chệch hướng các cơ sở kinh doanh dịch vụ và nguy cơ thất thu thuế, các đặc khu cũng có thể tạo ra sự méo mó trong đời sống kinh tế – xã hội địa phương và quốc gia, trong khi không tạo ra sự bùng nổ thương mại hay cơ hội việc làm tương xứng với chi phí và theo mục tiêu ảo vọng. Việc xa rời thực tế và sự hào hứng dễ dãi một chiều trong việc thành lập, mơ hồ trong cơ chế kiểm soát các đặc khu có thể biến nơi đây thành biểu tượng của sự thiếu hiệu quả trong đầu tư xã hội, sự cạnh tranh không lành mạnh và bãi thải của công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, việc cấp chính quyền sử dụng đất đai lâu dài quá mức thông thường để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược đầu tư lâu dài tại đặc khu, mà không cân nhắc kỹ càng các tiêu chí loại trừ, vô hiệu hóa quyền sử dụng đất đai đã giao, thiếu các cơ chế phòng ngừa chặt chẽ về pháp lý và chế tài mạnh; trong khi bị tình trạng lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ chi phối, chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, thấy lợi ích kinh tế trước mắt mà không thấy lợi ích chiến lược quốc gia về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, thì rất dễ gây hệ lụy đắt đỏ bởi mưu kế “con ngựa thành Tơ-roa” của người xưa…!

Ngày 06/01/2018, Đoàn công tác của Hội đồng thẩm định Đề án thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát, nắm tình hình tại Vân Đồn, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và ghi nhận sự ủng hộ của người dân huyện Vân Đồn về chủ trương thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Qua đó, hy vọng góp phần hoàn chỉnh thêm Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội thông qua.

Được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự cẩn trọng cần có, ĐKKT được kỳ vọng trở thành động lực mới hấp dẫn, có thể mang lại sức tăng trưởng mới cho khu vực và cả nước, cho hôm nay và cho cả mai sau…!

Bạn cần tìm

GIỚI THIỆU QUY HOẠCH

Mua theme

Mua theme