banner

Tin tức bất động sản

Ba đặc khu sẽ tạo thành thế chân kiềng phát triển kinh tế

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến lần cuối cùng vào Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây. Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sau khi thành lập, 3 đặc khu sẽ tạo thành thế chân kiềng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

Ba đặc khu sẽ tạo thành thế chân kiềng phát triển kinh tế

PGS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

– Theo ông, việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) có cần thí điểm?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Ở đây, chúng ta không làm thí điểm đặc khu kinh tế, nên cần phải thành lập cả 3 đặc khu, gồm Bắc Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc, trong cùng một thời gian. Thực tế, cả 3 đặc khu dự kiến thành lập đều có tiềm năng, lợi thế đặc biệt so với khu vực khác và mỗi khu lại có đặc thù, lợi thế, tiềm năng và chiến lược phát triển khác nhau.

Nếu có chiến lược phát triển đúng hướng, cả 3 đặc khu đều phát huy tối đa tiềm năng, ưu thế đặc thù và cùng phát triển; không đặc khu nào triệt tiêu, hạn chế sự phát triển đặc khu nào, mà ngược lại, bổ trợ nhau, hỗ trợ nhau, không cạnh tranh trực tiếp với nhau, nên 3 đặc khu sẽ hợp thành thế chân kiềng cùng phát triển, tạo thêm động lực phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

– Nhưng cùng được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt, nên 3 đặc khu sẽ cạnh tranh lẫn nhau, vì nhà đầu tư vào đặc khu này sẽ không đầu tư vào đặc khu khác, thưa ông?

Chính vì vậy, cần phải có định hướng ngành, nghề ưu tiên phát triển cho từng đặc khu, căn cứ vào quy mô diện tích tự nhiên, dân số, vị trí địa lý, đặc điểm, điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế so sánh của từng đặc khu.

Để giải quyết vấn đề này, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải quy định cụ thể ngành, nghề trọng tâm ưu tiên phát triển dựa vào tính đặc thù riêng có của từng đặc khu. Ưu tiên, ưu đãi đối với ngành, nghề trọng tâm cho đặc khu kinh tế phải khác với quy định chung.

Và mức độ ưu tiên, ưu đãi đối với đặc khu này phải khác với đặc khu khác dựa vào lợi thế so sánh và tính đặc thù của từng đặc khu, nhưng phải bảo đảm không dàn trải, chỉ tập trung vào những ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa 3 đặc khu với nhau và giữa các đặc khu kinh tế với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Tôi cho rằng Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt khi có hiệu lực sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các ngành công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính ở cả 3 đặc khu kinh tế.

– Thưa ông, “hình hài” các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc đã khá rõ vì hoạt đầu tư, thương mại, du lịch… khá nhộn nhịp, sôi động, nhưng đối với Bắc Vân Phong, hiện vẫn chưa có nhiều người biết đến?

So với Vân Đồn, Phú Quốc thì hoạt động tại Bắc Vân Phong vẫn còn khá trầm lắng, chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, Bắc Vân Phong có khá nhiều lợi thế, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu để trở thành đặc khu kinh tế.

Cụ thể, Bắc Vân Phong nằm trong vùng vịnh nước sâu Vân Phong, kín gió, gần ngã ba của các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trên Biển Đông, nên có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình giao thông liên vận trong nước và quốc tế, trong tương lai sẽ trở thành cảng trung chuyển vận tải quốc tế.

Bên cạnh đó, hiện phần diện tích mặt đất và mặt nước chưa sử dụng ở Bắc Vân Phong còn khá lớn, nên có điều kiện phát triển công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, tài chính, đặc biệt là dịch vụ logistics.

– Với từng đặc khu kinh tế, theo ông, nên tập trung ưu tiên, ưu đãi vào những lĩnh vực nào?

Đối với Vân Đồn, cần tập trung ưu tiên, ưu đãi để phát triển lĩnh vực công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao; du lịch văn hóa; kinh doanh dịch vụ, vận tải, hậu cần hàng không có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đầu tư các dự án trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; trung tâm giải trí có thưởng quốc tế; thương mại và mua sắm quốc tế…

Với Bắc Vân Phong, tập trung ưu tiên, ưu đãi cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; dịch vụ hậu cần cảng biển có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng. Riêng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, đóng tàu; sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử, yêu cầu có vốn đầu tư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, các dự án đầu tư vào phát triển cảng biển; dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp; trung tâm thương mại – tài chính gắn với cảng biển cũng nên được ưu tiên, nếu đáp ứng mức vốn đầu tư tối thiểu.

Còn đối với Phú Quốc, nên tập trung ưu tiên, ưu đãi cho các dự án đầu tư vào dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp; khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 4 sao trở lên; trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế; đầu tư xây dựng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; dịch vụ y tế; đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục – đào tạo… nếu đáp ứng đủ điều kiện, trong đó có yêu cầu về vốn đầu tư tối thiểu.

Bạn cần tìm

GIỚI THIỆU QUY HOẠCH

Mua theme

Mua theme