Sẽ có những đột phá trong thị trường bất động sản trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật, cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với đại diện Bộ Xây dựng, các chuyên gia bất động sản về tương lai thị trường này tại hội thảo “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và VCCI tổ chức ngày 20/3.
Ông Võ Trí Thành: Năm qua, Việt Nam đã tạo được nhiều nền tảng tốt, có chính sách đột phá mà người dân kỳ vọng đó là quyết định của Chính phủ về việc thành lập 3 đặc khu kinh tế (Vân Đông – Bắc Vân Phong – Phú Quốc). Vậy liên quan vấn đề này, xin hỏi ông Nguyễn Mạnh Khởi, có đột phá gì sẽ tạo ra ở thị trường bất động sản năm 2018?
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng: Chương trình hành động về bất động sản nói riêng, xây dựng nói chung sẽ có những đột phá liên quan bất động sản.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh. Cuối 2017, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu cố gắng cải cách để tinh giản thủ tục hành chính, và có dự thảo Nghị dịnh trình Chính phủ trong quý II/2018 để ban hành.
Thứ hai, mở thêm các điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là nước ngoài đầu tư kinh doanh, cụ thể sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Thứ ba, tạo hệ thống thông tin đầy đủ, cụ thể.
Thứ tư, xác định các điểm vướng trong hoạt động kinh doanh, những nội dung đang tranh cãi sẽ làm rõ trong đợt này.
Ông Võ Trí Thành: Năm 2004 chúng ta đã bàn về thuế tài sản. Vừa rồi lại đề cập đến vấn đề này, theo ông, bao giờ thuế tài sản sẽ ra đời?
Ông Nguyễn Mạnh Khởi: Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính soạn thảo. Với góc độ cá nhân, tôi cho rằng đã đến lúc có nghiên cứu Luật này vì nhiều nước trên thế giới đã có.
Ông Võ Trí Thành: Năm 2017 dự báo khu vực nhà ở sẽ tăng trưởng tích cực, trong đó nhà ở giá thấp sẽ nổi lên mạnh mẽ. Tôi hỏi ông Lê Trọng Hiếu, ông nhìn nhận thị trường bất động sản sắp tới sẽ như thế nào?
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc khối, Công ty TNHH CBRE Việt Nam: Nói ngắn gọn thị trường bất động sản 2017 tích cực trên nhiều mảng phân khúc. Như thu hút đầu tư nước ngoài tốt tượng trưng cho nguồn cầu, theo đó thành lập nhiều khu công nghiệp mới, thị trường phát triển bền vững hơn.
Phân khúc “nóng” tiếp theo là nhà ở. Khi đưa ra dự báo thì thị trường có cách thích ứng linh hoạt với dự báo đó. Ví dụ: Chính sách Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua tài sản tại Việt Nam, giúp thị trường phát triển tương đối bền vững vì có nguồn cầu bên ngoài bổ sung mạnh mẽ bên cạnh nguồn cầu trong nước. Chính phủ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, kéo theo phân khúc đất nền sẽ “nóng” dần. Nhà đầu tư họ mua trước để chuẩn bị cho tương lai.
Thêm nữa, phân khúc bất động sản văn phòng, cho phép tổ chức nước ngoài sở hữu tòa nhà văn phòng. Theo đó, sự xuất hiện nhà đầu tư trong nước, ngoài nước giúp thị trường bền vững hơn.
Đặc khu kinh tế cũng là điểm sáng, định hướng tốt cho 2018 với 3 đặc khu thành lập, gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh) – Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) – Phú Quốc (Kiên Giang). Về chính sách thuế dành cho các đặc khu kinh tế thì chưa có nhiều sự khác biệt so với các khu khác, (giữa khu kinh tế, khu công nghệ cao và đặc khu không có gì khác nhau nên doanh nghiệp khi lựa chọn cũng không thấy sự khác biệt nhiều).
TS. Võ Trí Thành: Nếu chọn ba chính sách để kiến nghị thì ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA chọn gì? Nêu những rủi ro mà các nhà đầu tư bất động sản cần quan tâm?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA): Thứ nhất, phải sửa Luật Đất đai, sửa quy định quyền sử dụng đất, đất du lịch nghỉ dưỡng. Thứ hai, sửa nhóm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu để có môi trường cạnh tranh minh bạch.
Thứ ba, quan trọng nhất là kiến tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp bình đẳng trước pháp luật.
Về rủi ro các nhà đầu tư bất động sản cần quan tâm lớn nhất là rủi ro về cung – cầu. Hiện nay đang có mua bán mang tính “kỹ thuật” và cung – cầu đang lệch pha về sản phẩm và phân khúc.
Cảnh báo tiếp theo là TP.HCM đã có tình trạng sốt đất nền đầu năm 2017, sau khi lắng xuống đã quay lại, trong khi giới doanh nghiệp địa ốc còn rất băn khoăn vì quy hoạch chưa mang tính đầy đủ, và rủi ro từ biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng.