Sáng 11/3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án “Đặc khu hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong” (gọi tắt là Đặc khu Vân Phong).
“Cần cơ chế đặc thù cho Bắc Vân Phong”
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Khu kinh tế Vân Phong cho biết, Khu kinh tế Vân Phong được Chính phủ thành lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030, với tổng diện tích khoảng 150.000 ha, bao gồm 70.000 mặt đất, còn lại là diện tích mặt nước, thuộc thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa.
Theo ông Phi, đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kết hợp phát triển kinh tế du lịch – dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác…
Theo ông Hoàng Đình Phi, hiện tại Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 145 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 1,47 tỷ USD, vốn thực hiện là gần 630 triệu USD, đạt 42% vốn đăng ký.
Ngoài ra, hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư cho các dự án có quy mô lớn, với tổng vốn đăng ký khoảng 6,8 tỷ USD như: Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (2 tỷ USD) của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản); Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (4,8 tỷ USD), liên doanh giữa Petrolimex và Nippon Oil Energy (Nhật Bản). Trong khi đó, Đặc khu hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong được quy hoạch xây dựng tại khu vực phía Bắc của Khu kinh tế Vân Phong, với diện tích dự kiến khoảng 66.000 ha, trong đó có 19.000 ha đất, còn lại là diện tích mặt nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – ông Lê Đức Vinh, cho biết, so với Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) thì cơ sở hạ tầng tại khu vực Bắc Vân Phong khá khiêm tốn.
Theo ông Lê Đức Vinh, mục tiêu ưu tiên phát triển ở Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong gồm: cảng biển quốc tế; trung tâm tài chính quốc tế; trung tâm dịch vụ – du lịch hiện đại có casino; có dịch vụ y tế, giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển công nghệ cao và chuyển giao công nghệ ngang tầm thế giới. “Trong này, tỉnh cũng xin có một số cơ chế đặc thù, đặc biệt liên quan đến cảng biển, các chính sách để thu hút công nghệ cao và một số nội dung liên quan đến chuyên gia đến làm việc ở khu này”, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa kiến nghị.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, nếu Đặc khu hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong trực thuộc TƯ thì càng tốt. “Nếu TƯ cử người về làm thì rất tốt vì đặc khu này, mình thấy rằng, mình làm sao để vươn ra khu vực, chứ không phải chỉ có tỉnh. Nếu tỉnh làm thì quá gò bó, sự điều hành cũng không linh động bằng sự hỗ trợ của các ban, ngành TƯ và do Chính phủ điều hành”, ông Vinh nói.
Phó Thủ tướng: “Tìm lợi thế của Bắc Vân Phong để cạnh tranh với các đặc khu khác”
Sau nghe lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cùng đại diện các Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ… nêu ý kiến, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã hoan nghênh tỉnh Khánh Hòa trong việc tích cực, chủ động xây dựng đề án Khu kinh tế Bắc Vân Phong gắn với đề nghị xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù có hình thành “đặc khu” hay không thì cũng phải phát triển Bắc Vân Phong, trong đó tỉnh cần tiếp tục thăm dò, thu hút đầu tư và tính toán quy hoạch cho phù hợp, không để phát triển tràn lan bởi nếu khi thành lập đặc khu sẽ không còn quỹ đất.
Phó Thủ tướng lưu ý cần đánh giá thêm về lợi thế so sánh, lợi thế kinh tế của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong so với các đơn vị trình đề án, các đặc khu trong khu vực và so sánh với các đặc khu khác trên thế giới để nhận diện được thế mạnh, đặc thù riêng của Bắc Vân Phong trong điều kiện, bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Trên cơ sở đó, cần tập trung, lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư phù hợp, cạnh tranh cho thật tốt.
“Nếu nói phát triển thành một trung tâm dịch vụ – tài chính thì so sánh thử xem trong điều kiện bình thường có thể cạnh tranh với Hà Nội được không? Hình thành trung tâm này thì có phát huy được không hay cuối cùng không phát huy được thì chưa phải là thế mạnh vượt trội của mình. Hay phát triển du lịch cao cấp có casino thì so với phát triển du lịch ven biển, du lịch biển của cả nước thì có vượt trội hẳn không và những lợi thế khác”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để sớm xác định được “hình hài” của mô hình này. Trong đó tập trung làm rõ: tổ chức hành chính, tư pháp, lãnh đạo của Đảng ở đây như thế nào? Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi đặc khu thì bộ máy phải phù hợp với các ngành nghề, lĩnh vực đang phát triển ở đó.
Nguồn: Dân Trí