Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), còn thiếu Báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt này trên các khía cạnh như mở rộng quy mô diện tích của đơn vị ra cả huyện Vạn Ninh, bố trí lại dân cư phù hợp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, phát triển kinh tế-xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, an ninh, quốc phòng trên địa bàn…
Bên cạnh những lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế, đặc khu Bắc Vân Phong trong tương lai phải đối mặt với những thách thức trong bảo vệ môi trường trước tốc độ phát triển nhanh chóng. Ảnh minh họa
Đây là kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo.
Theo đó, đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong đã được xây dựng với bố cục đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, đề án vẫn còn thiếu bản báo cáo đánh giá tác động. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Khánh Hòa khẩn trương bổ sung các tài liệu của đề án; tiếp tục hoàn thiện đề án trên cơ sở làm rõ sự cần thiết thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; căn cứ để triển khai thực hiện.
Về phương án thành lập đặc khu kinh tế này, Phó thủ tướng đồng ý về chủ trương, tỉnh Khánh Hòa cần hoàn thiện đề án theo phương án lấy toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô, ranh giới, dân số của huyện Vạn Ninh.
Đề án phải nêu rõ thực trạng và định hướng của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong theo phương án mở rộng bao gồm cả huyện Vạn Ninh (phương án mới) nêu bật lợi thế so sánh với các khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trên quan điểm cạnh tranh lành mạnh không làm triệt tiêu lẫn nhau giữa các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trong nước, đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới; phân tích đánh giá ưu điểm, bất cập trong việc lựa chọn phương án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; định hướng và mục tiêu tổng quát theo ngành, lĩnh vực; các giải pháp tổ chức thực hiện; xác định mô hình chính quyền địa phương; kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức…
Tỉnh Khánh Hòa cũng được yêu cầu hoàn thành quy hoạch, trong đó đặc biệt lưu ý việc sắp xếp dân cư, bảo vệ môi trường, quản lý chặt chẽ đất đai, công tác quốc phòng, an ninh để khi triển khai thực hiện thuận lợi.