HAPACOL CODEIN ( SỦI) điều trị các triệu chứng đau nhức từ vừa đến dữ dội, có hoặc không kèm nóng sốt, trong các trường hợp: đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau xương, đau khớp, đau lưng, đau cột sống, đau răng, đau bụng kinh, đau thần kinh…
Công thức:
Paracetamol ………………………….. 500 mg
Codein phosphat ………………………. 30 mg
Tá dược vừa đủ …………………………..1 viên
(Acid tartaric, acid citric (khan), đường aspartam, lactose khan, đường sunett, natri bicarbonat, ludipress LCE, effersoda, natri benzoat, PEG 6000, bột hương cam, PVP K30).
Dạng bào chế: Viên nén sủi bọt.
Quy cách đóng góp: Hộp 4 vỉ x 4 viên. Hộp 10 vỉ x 4 viên.
Dược lực học:
Paracetamol là thuốc giảm đau – hạ sốt hữu hiệu. Thuốc tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt, nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt bình thường. Thuốc làm giảm đau bằng cách nâng ngưỡng chịu đau lên.
Codein có tác dụng giảm đau trong trường hợp đau nhẹ và vừa.
Dược động học:
Paracetamol hấp thu nhanh chóng và hầu như hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Thời gian bán thải là 1,25 – 3 giờ. Thuốc chuyển hóa ở gan và thải trừ qua thận.
Thời gian bán thải của Codein là 2 – 4 giờ. Codein được chuyển hóa ở gan và thải trừ ở thận dưới dạng tự do hoặc kết hợp với acid glucoronic. Codein hoặc sản phẩm chuyển hóa bài tiết qua phân rất ít. Codein qua được nhau thai và một lượng nhỏ qua được hàng rào máu não.
Sự kết hợp giữa Paracetamol và Codein có các ưu điểm như: kết hợp tác dụng giảm đau của 2 chất, giúp tăng hiệu lực trị liệu mạnh hơn nhiều lần, giảm được tác dụng không mong muốn nếu phải tăng liều khi sử dụng từng chất riêng biệt, Paracetamol còn làm tăng cường tác dụng giảm đau của Codein.
Sự phối hợp này không thấy có sự ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình hấp thu, phân bố, thải trừ giữa Paracetamol và Codein trong cơ thể sau khi uống.
hapacol sủi
HAPACOL CODEIN ( SỦI) điều trị các triệu chứng đau nhức từ vừa đến dữ dội
Chỉ định:
Điều trị các triệu chứng đau nhức từ vừa đến dữ dội, có hoặc không kèm nóng sốt, trong các trường hợp: đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau xương, đau khớp, đau lưng, đau cột sống, đau răng, đau bụng kinh, đau thần kinh, bong gân, do cảm cúm, viêm đau họng hay mũi xoang, đau do chấn thương, đau sau phẫu thuật (trừ phẫu thuật ở đầu, bụng), …
Chống chỉ định: Quá mẫn với một trong các thành phần của thuốc. Phenylceton niệu (do có Aspartam). Người bệnh thiếu máu, có bệnh tim, phổi, thận, suy tế bào gan, các trường hợp: thiếu hụt glucose – 6 phosphat dehydrogenase (do có Paracetamol). Suy hô hấp, hen phế quản (do có Codein)
Trẻ em dưới 15 tuổi. Phụ nữ có thai và cho con bú.
Thận trọng: Trong các bệnh đường hô hấp như hen, khí phế thủng. Suy giảm chức năng thận. Người cao tuổi hoặc suy yếu. Thiểu năng tuyến giáp. Bệnh Addison và phì đại tuyến tiền liệt hoặc co thắt hẹp niệu đạo.
Khi lái tàu xe, vận hành máy cần lưu ý nguy cơ thuốc có thể gây ngủ gà, làm giảm sự nhanh lẹ hay tỉnh trí. Thuốc có chứa muối natri, cẩn trọng đối với người kiêng muối.
Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của Paracetamol, nên tránh hoặc hạn chế uống rượu. Trong chế phẩm có chứa hoạt chất có thể cho phản ứng dương tính khi làm test kiểm tra chống doping (sử dụng các chất kích thích).
Tương tác thuốc:
* Liên quan đến Codein: Tác dụng giảm đau của Codein tăng lên khi phối hợp với Aspirin và Paracetamol nhưng lại giảm hoặc mất tác dụng bởi Quinidin. Codein làm giảm chuyển hóa Cyclosporin do ức chế men Cytochrom P450.
* Liên quan đến Paracetamol: Uống dài ngày liều cao Paracetamol làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của Coumarin và dẫn chất Indandion.
Cần chú ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời Phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt.
Thuốc chống co giật (Phenytoin, Barbiturat, Carbamazepin) gây cảm ứng enzym ở microsom thể gan, có thể làm tăng tính độc hại gan của Paracetamol do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan.
Dùng đồng thời Isoniazid với Paracetamol có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính với gan.
Tác dụng không mong muốn:
* Liên quan đến Codein: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, táo bón, bí đái, mạch nhanh, mạch chậm, hồi hộp, hạ huyết áp thế đứng.
* Liên quan đến Paracetamol: Ít gặp: Da: ban da. Dạ dày – ruột: nôn, buồn nôn. Huyết học: giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu. Thận: bệnh thận, độc tính thận khi lạm dụng dài ngày. Hiếm gặp: phản ứng quá mẫn. Có thể gây suy gan (do hủy tế bào gan) khi dùng liều cao, kéo dài.
Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Quá liều và cách xử trí:
Quá liều Paracetamol do dùng một liều độc duy nhất hoặc do uống lặp lại liều lớn Paracetamol (7,5 – 10 g mỗi ngày, trong 1 – 2 ngày) hoặc do uống thuốc dài ngày. Hoại tử gan phụ thuộc liều là tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều và có thể gây tử vong.
Biểu hiện của quá liều Paracetamol: buồn nôn, nôn, đau bụng, triệu chứng xanh tím da, niêm mạc và móng tay.
Cách xử trí: Khi nhiễm độc Paracetamol nặng, cần điều trị hỗ trợ tích cực. Cần rửa dạ dày trong mọi trường hợp, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống.
Liệu pháp giải độc chính là dùng những hợp chất Sulfhydryl. N – acetylcystein có tác dụng khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Phải cho thuốc ngay lập tức nếu chưa đến 36 giờ kể từ khi uống Paracetamol.
Điều trị với N – acetylcystein có hiệu quả hơn khi cho thuốc trong thời gian dưới 10 giờ sau khi uống Paracetamol. Khi cho uống, hòa loãng dung dịch N – acetylcystein với nước hoặc đồ uống không có rượu để đạt dung dịch 5% và phải uống trong vòng 1 giờ sau khi pha.
Cho uống N – acetylcystein với liều đầu tiên là 140 mg/ kg thể trọng, sau đó cho tiếp 17 liều nữa, mỗi liều 70 mg/ kg thể trọng cách nhau 4 giờ một lần.
Ngoài ra, có thể dùng Methionin, than hoạt và/ hoặc thuốc tẩy muối.
Biểu hiện của quá liều Codein: suy hô hấp, lơ mơ dẫn đến trạng thái đờ đẫn hoặc hôn mê, mềm cơ, da lạnh và ẩm, đôi khi mạch chậm và hạ huyết áp. Trong trường hợp nặng: ngừng thở, trụy mạch, ngừng tim và có thể tử vong.
Cách xử trí: Hồi phục hô hấp bằng cách cung cấp dưỡng khí và hô hấp hỗ trợ có kiểm soát. Chỉ định Naloxon ngay bằng đường tiêm tĩnh mạch trong trường hợp nặng.
Liều dùng và cách dùng: Hòa tan viên thuốc vào khoảng 200 ml nước đến khi sủi hết bọt.
Cách mỗi 5 – 6 giờ uống một lần. Không uống quá 8 viên/ ngày.
Người lớn và trẻ em trên 15 tuổi: uống mỗi lần từ 1 đến 2 viên.
Trường hợp suy thận nặng khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc phải dài hơn 8 giờ.
Hoặc theo chỉ dẫn của Thầy thuốc.
Lưu ý: – Không dùng quá liều chỉ định trên đây.
– Việc dùng thuốc kéo dài quá 5 ngày phải hỏi ý kiến Thầy thuốc.
*Lưu ý: tác dụng của sản phẩm tùy theo tình trạng từng người.